Quá trình phát triển HiPT

HiPT được thành lập ngày 18/6/1994 với tên gọi đầu tiên là Công ty TNHH Hỗ trợ Phát triển Tin học và được đổi thành Công ty Cổ phần Tập đoàn HiPT vào năm 2006[1]. Sự ra đời của HiPT có mối liên hệ mật thiết với những tên tuổi lớn trong ngành Công nghệ thông tin như Hewlett-Packard (HP) và Tập đoàn FPT. Trả lời phóng viên báo Diễn đàn doanh nghiệp trong một bài phỏng vấn vào năm 2010, ông Võ Văn Mai (thời điểm đó đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị của HiPT) nói: "... mặc dù tách riêng nhưng HiPT vẫn có phần góp vốn của FPT và vẫn nhận được những sự hỗ trợ từ FPT. Khi đó FPT vẫn nắm tới 80% vốn của HiPT và thực ra thì việc tách riêng cũng chỉ để tránh chồng chéo khi mà FPT thì hợp tác với IBM còn HiPT lại chọn HP. Tới năm 1995, một năm sau khi thành lập, khi mà cả FPT và HiPT đều đã "lớn", chúng tôi quyết định mua lại phần vốn góp của FPT."[2] Vào những năm đầu thập niên 90, sau khi Hoa Kỳ xóa bỏ cấm vận đối với Việt Nam[3], hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ thông tin, diễn ra khá sôi nổi. Với mong muốn tìm ra lối đi riêng, không tập trung vào Thị trường bán lẻ, cũng không kinh doanh Phần cứng hay các thiết bị Tin học, HiPT được định hướng đi sâu vào lĩnh vực cung cấp giải pháp và dịch vụ hệ thống. Một phần lý do của định hướng này là quá trình làm việc lâu dài giữa HiPT và HP - một nhà cung cấp giải pháp hệ thống và giải pháp công nghệ thông tin chuyên nghiệp. Cho đến nay, đó vẫn là mảng hoạt động cốt lõi và mạnh nhất của HiPT.[2]

Năm 2004, sau 10 năm vận hành, HiPT cải tiến mô hình theo cấu trúc Tập đoàn với sự tư vấn của đối tác Australia là APMG[4]. Tiếp theo đó là sự ra đời của các đơn vị thành viên như: Công ty TNHH Giải pháp Tư vấn Công nghệ HIPT (2004); Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tin học HiPT và Công ty TNHH Giải pháp Ngân hàng Tài chính HiPT (2005); Chi nhánh tại TP. HCM, Công ty Cổ phần Dịch vụ Đầu tư HiPT, và Trường Trung cấp nghề Kỹ nghệ Thực hành HiPT (2006); Hệ thống Bán lẻ hiSHOP, Trung tâm Phân phối HiPT, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển HiPT, Công ty Phần mềm HiMC - Liên doanh với Marumeni (Nhật Bản), và Công ty Đào tạo CNTT NewHorizons Hà Nội (2007)[5].

Năm 2009 là năm ấn tượng nhất của HiPT, ghi nhận Doanh thu khoảng 730 tỷ đồng, cao hơn các năm trước đó và sau đó[6][7]. Đây là năm của "Những câu chuyện chưa có tiền lệ" tại Thị trường chứng khoán Việt Nam, là năm ra mắt của thị trường giao dịch chứng khoán công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) - sự kiện quan trọng trong năm chuyển mình của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội[8]. HiPT là một trong 10 doanh nghiệp đầu tiên chào sàn UPCoM với mã giao dịch HIG và có giá trị giao dịch lớn nhất (hơn 96 tỷ đồng)[9]. Cũng trong năm 2009, HiPT lần đầu tiên lọt vào bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam và tiếp tục duy trì sự hiện diện tại bảng xếp hạng này vào năm 2010[10].

Công chúng và giới truyền thông đôi khi nhầm tên gọi của HiPT với HiPP (thực phẩm cho trẻ em) hoặc HPT (một công ty cung cấp dich vụ công nghệ tin học). Tên gọi HiPT được cho là xuất phát từ chữ H và chữ P của hãng HP, với chữ P và chữ T của FPT, thêm chữ i là đại diện cho cụm từ Information Technology. Theo ông Võ Văn Mai, logo có nút đỏ trên chữ i là "thể hiện sự tập trung của HiPT" vào công nghệ và giải pháp cốt lõi, đối tác chiến lược, khách hàng chiến lược[2]. Đây là lý do mà tên của công ty này thường được viết với chữ i thường (HiPT).

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: HiPT http://www.apmgvietnam.com/Default.aspx?MT=244 http://www.uobgroup.com/ http://vihuba.com/modules.php?name=News&file=artic... http://kinhdoanh.vnexpress.net/thuong-vu-sap-nhap-... http://www.baovietbank.vn/vi/gioi-thieu/hoi-dong-q... http://s.cafef.vn/CEO/CEO_00359/vo-hong-nam.chn http://s.cafef.vn/ceo/CEO_51043/nghiem-tien-sy.chn http://dddn.com.vn/doanh-nghiep/thay-doi-moi-la-on... http://dddn.com.vn/van-de-hom-nay/tap-doan-hipt-cu... http://hipt.com.vn/upload_images/Bao%20cao%20thuon...